Quá trình sản xuất Câu_chuyện_đồ_chơi

Phát triển

Cổng vào của trụ sở Pixar tại Emeryville, CaliforniaLight Cycle trong phim Tron (1982)

Đạo diễn John Lasseter lần đầu tiên tiếp cận với hoạt hình máy tính là trong quá trình làm việc với vai trò họa sĩ hoạt hình tại Disney, khi hai người bạn cho ông xem phân cảnh Light Cycle trong bộ phim Tron (1982). Trải nghiệm này giúp Lasseter nhận ra những lợi ích mà phương pháp sản xuất hoạt hình sử dụng máy tính có thể mang lại.[11] Lasseter cố gắng đề xuất ý tưởng về một bộ phim hoạt hình làm hoàn toàn bằng máy tính cho Disney, nhưng ý tưởng này bị bác bỏ và Lasseter bị sa thải. Ông chuyển đến làm việc tại Lucasfilm và sau này trở thành một trong những thành viên sáng lập nên Pixar sau khi nhận được sự đầu tư của Steve Jobs.[12]

Tại Pixar, Lasseter tạo những đoạn phim hoạt hình ngắn bằng máy tính để trình diễn những khả năng của loại máy tính do Pixar sản xuất. Tin Toy - bộ phim hoạt hình ngắn kể câu chuyện từ góc nhìn của một đồ chơi, lấy cảm hứng từ sự yêu thích của Lasseter với các loại đồ chơi cổ điển - giành được giải Oscar cho phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất vào năm 1988 và trở thành bộ phim sản xuất bằng máy tính đầu tiên đoạt giải.[13] Tin Toy thu hút sự chú ý của Disney và những người lãnh đạo mới tại Disney - giám đốc điều hành Michael Eisner và chủ tịch bộ phận sản xuất phim Jeffrey Katzenberg - bắt đầu đề nghị Lasseter quay trở lại làm việc.[13] Nhưng Lasseter, cảm thấy biết ơn với niềm tin mà Jobs dành cho mình, đã ở lại với Pixar. Ông nói với đồng sáng lập Pixar Ed Catmull: "Tôi có thể đến Disney và trở thành một đạo diễn, hoặc ở lại đây và tạo nên lịch sử."[13] Katzenberg nhận ra ông ta không thể thuyết phục được Lasseter quay lại với Disney và do vậy đã đưa ra kế hoạch để ký kết một thỏa thuận hợp tác sản xuất phim với Pixar.[13]

Đây là điều mà cả hai bên cùng mong đợi. Catmull và người đồng sáng lập Pixar là Alvy Ray Smith từ lâu đã mong muốn sản xuất một bộ phim hoạt hình dài.[14] Vào thời điểm đó, Disney đang hợp tác với Pixar trong việc xây dựng hệ thống máy tính CAPS phục vụ cho quá trình sản xuất hoạt hình truyền thống, khiến hãng này trở thành khách hàng lớn nhất của Pixar.[15] Jobs nói với Katzenberg rằng cho dù Disney cảm thấy hài lòng với sự hợp tác này nhưng phía Pixar thì không. "Chúng tôi muốn làm một bộ phim với các vị. Đó mới là điều khiến chúng tôi hài lòng".[15]

Vào thời điểm đó, Peter Schneider, chủ tịch của Walt Disney Feature Animation, cũng có hứng thú trong việc hợp tác làm phim với Pixar.[14] Khi Catmull, Smith và trưởng bộ phận hoạt hình Ralph Guggenheim đến gặp Schneider vào mùa hè năm 1990, họ cảm thấy không khí buổi gặp mặt có phần khó hiểu và gây tranh cãi. Sau này họ biết được rằng việc Katzenberg chủ định nếu Disney hợp tác làm phim với Pixar thì việc hợp tác nên nằm ngoài quyền hạn của Schneider đã khiến cho ông ta tức giận.[16] Sau lần gặp đầu tiên, đại diện phía Pixar trở về với kỳ vọng không cao và bị bất ngờ khi Katzenberg đề nghị một cuộc thảo luận khác. Lần thảo luận này có thêm sự tham gia của Jobs, Lasseter và Bill Reeves (trưởng bộ phận nghiên cứu và phát triển). Họ đưa ra ý tưởng về một chương trình truyền hình đặc biệt dài nửa tiếng có tên A Tin Toy Christmas. Họ lý luận rằng một chương trình truyền hình sẽ là phương án hợp lý để tích lũy kinh nghiệm trước khi sản xuất một bộ phim dài.[17]

Các đại diện của Pixar gặp gỡ Katzenberg tại phòng hội nghị tại trụ sở chính của Disney tại Burbank.[17] Catmull và Smith nhìn thấy hai thử thách khó khăn trong cuộc gặp mặt này. Đầu tiên đó là giữ cho Katzenberg hứng thú với việc hợp tác với Pixar. Điều thứ hai, khó khăn hơn, là làm cho Lasseter và các họa sĩ hoạt hình thích thú với ý tưởng làm việc với Disney, do công ty này có tai tiếng trong việc đối xử với các nghệ sĩ hoạt hình của mình và Katzenberg có tiếng là một kẻ chuyên chế.[17] Katzenberg cũng tự nhấn mạnh điều này trong cuộc họp: "Mọi người nghĩ tôi là một kẻ chuyên chế. Tôi là một kẻ chuyên chế. Nhưng tôi thường đúng."[15] Ông không chấp nhận ý tưởng về chương trình truyền hình và nói với Lasseter: "John, vì anh sẽ không đến làm việc cho tôi, tôi sẽ làm nó theo cách này."[15][17] Lasseter cảm thấy ông có thể làm việc với Disney và hai công ty bắt đầu việc đàm phán.[18] Pixar vào thời điểm đó đang có nguy cơ phá sản và cần một thỏa thuận với Disney.[15] Katzenberg đề nghị rằng Disney sẽ được cấp quyền với các công nghệ sản xuất phim hoạt hình 3-D của Pixar nhưng Jobs từ chối.[18] Trong một trường hợp khác, Jobs muốn Pixar sẽ có một phần quyền sở hữu với phim và các nhân vật, chia sẻ quyền kiểm soát đối với các sản phẩm ăn theo nhưng Katzenberg từ chối.[15] Disney và Pixar đạt được sự đồng thuận vào ngày 3 tháng 5 năm 1991 và ký kết vào đầu tháng 7.[19] Hợp đồng quy định rằng Disney có quyền sở hữu hoàn toàn với bộ phim và các nhân vật trong phim, có quyền quyết định với sản phẩm được ra mắt, và sẽ trả cho Pixar 12.5% lợi nhuận bán vé.[20][21] Hãng có quyền lựa chọn (nhưng không bắt buộc) để làm hai bộ phim tiếp theo của Pixar và quyền sản xuất các phần tiếp theo (có hoặc không có Pixar) sử dụng các nhân vật trong phim. Disney cũng có thể hủy dự án phim bất kỳ lúc nào mà chỉ phải chịu một hình phạt nhỏ. Những thỏa thuận ban đầu này, sau đó, trở thành điểm tranh chấp giữa Jobs và Eisner trong nhiều năm.[15]

Một thỏa thuận sản xuất một phim dài dựa trên Tin Toy với cái tên Câu chuyện đồ chơi được hoàn tất và việc sản xuất bắt đầu ngay sau đó.[22]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Câu_chuyện_đồ_chơi http://www.afi.com/10top10/category.aspx?cat=1 http://www.allmusic.com/album/r227571 http://www.allmusic.com/album/r227571/charts-award... http://www.allmusic.com/album/r297423 http://itunes.apple.com/WebObjects/MZStore.woa/wa/... http://www.awn.com/mag/issue3.8/3.8pages/3.8lyonsl... http://boxofficemojo.com/movies/?id=toystory.htm http://www.boxofficemojo.com/movies/?id=toystory.h... http://www.businessweek.com/archives/1998/b3605001... http://money.cnn.com/2006/05/15/magazines/fortune/...